Share

LANGEN FOUNDATION – TADAO ANDO

LANGEN FOUNDATION – TADAO ANDO

Một trong những dự án nổi bật khác của Tadao Ando chính là phòng triển lãm Langen Foundation nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Insel Hombroich bên cạnh con sông thơ mộng Erft. Dự án được xây dựng trên một trạm tên lửa cũ của NATO đã ngưng hoạt động kể từ năm 1990.

Vị trí: Neuss, Đức

Tổng diện tích: 120 220m²

Diện tích sàn: 3050m²

Dự án: Phòng trưng bày nghệ thuật

Langen Foundation được xây dựng trên trạm tên lửa cũ của NATO

Trước khi Ando bắt đầu dự án, nhà sưu tập nghệ thuật Karl-Heinrich Müller đã cho xây dựng Bảo tàng Insel Hombroich cách vị trí của Langen Foundation 4km. Kể từ khi sở hữu mảnh đất gần 200000 mét vuông này, Müller đã đầu tư rất nhiều công sức để khôi phục môi trường tự nhiên vốn có. Sau đó cho phép nhà điêu khắc Erwin Heerich sáng tạo và trưng bày các tác phẩm nghệ thuật cũng như phòng triển lãm cá nhân đan xen giữa những tán cây xanh tốt.

„Kunst parallel zur Natur.“ (Tạm dịch: “Nghệ thuật tồn tại cùng thiên nhiên”) – Labyrinth/Bảo tàng Insel Hombroich (Ảnh: © Thomas Riehle)

Müller cũng khuyến khích việc tạo ra một khu vực văn hóa rộng lớn hơn bao gồm cả trạm tên lửa NATO cũ. Chính vì vậy mà vào năm 2000, bà Marianne Langen đã đề nghị KTS Tadao Ando thiết kế một phòng triển lãm để trưng bày bộ sưu tập nghệ thuật châu Á hiện đại do bà và chồng bà – ông Viktor cùng nhau thực hiện. Như Ando nói, “Phòng triển lãm Langen Foundation được thiết kế để hòa lẫn vào thiên nhiên giống như tinh thần vốn có của Bảo tàng Insel Hombroich. Một hồ nước phản chiếu kết nối kiến ​​trúc và thiên nhiên hoang sơ một cách đầy trừu tượng. Du khách ghé thăm được phép chạm vào các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày giữa một cảnh quan tuyệt đẹp mà không vướng phải bất kì rào cản nào.”

Trước khi bước vào khu vực triển lãm, du khách sẽ đi qua một cánh cổng được đục rỗng hình chữ nhật trên bức tường bê tông lớn hình vòm. Con đường dẫn đến phòng triển lãm rợp bóng anh đào dẫn qua một hồ nước phản chiếu. Langen Foundation được xây dựng bằng những vật liệu vô cùng quen thuộc trong kiến trúc của Ando: những bức tường bê tông thô cứng được bao bọc bởi một tấm kính trong suốt tận dụng ánh sáng tự nhiên và ánh sáng lung linh phản chiếu từ mặt hồ vào bên trong.

Kiến trúc của Langen Foundation đắm chìm trong vẻ đẹp của thiên nhiên

Chếch một góc 45 độ so với khối bê tông kính là 2 phòng trưng bày hoàn toàn xây dựng bằng bê tông, được chôn sâu 6 mét dưới lòng đất và chỉ 3,45 mét nổi lên trên. Điều này cho phép trần phòng trưng bày cao tới 8 mét, vì thế mà không gian triển lãm không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Cầu thang nằm giữa 2 phòng này mang đến cảm giác kết nối không gian từ lòng đất lên tới tận bầu trời.

Cầu thang kết nối 2 không gian đối lập

Ando chia sẻ: “Theo yêu cầu về dự án, hai không gian triển lãm với 2 chủ đề khác nhau được hình thành. Không gian dành cho nghệ thuật phương Đông là không gian ‘tĩnh’, tràn ngập ánh sáng dịu nhẹ. Không gian còn lại dành cho nghệ thuật hiện đại là không gian ‘động’ đan xen với ánh sáng.

Không gian ‘tĩnh’ bao gồm 2 khối chữ nhật bằng bê tông và kính, khối kính lồng vào bên ngoài cái bê tông, tạo ra một khoảng trống giống như một cái hiên – nét kiến ​​trúc đặc trưng trong truyền thống Nhật Bản. Mục đích của cấu trúc này là để xóa mờ ranh giới giữa không gian bên trong và bên ngoài, mang lại cho khách tham quan một trải nghiệm như thể đang lang thang đi dạo trong rừng. Không gian ‘động’ một nửa nằm dưới đất, một nửa nằm bên trên và lấy ánh sáng từ các cửa sổ trần. Sự tương phản giữa “tĩnh” và “động” làm cho những thước phim về ánh sáng trở nên sống động hơn bao giờ hết đối với khách tới thăm.”

Một vài triển lãm nghệ thuật bên trong Langen Foundation

Mặt hồ phía dưới phòng trưng bày bằng kính không chỉ phản chiếu chính căn phòng này mà còn phản chiếu cả bầu trời và cả khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp quanh nó. Cỏ cây xen vào cảnh quan tổng thể của kiến trúc, trở thành một phần của kiến trúc một cách có chủ ý và đầy tính nghệ thuật. Ánh sáng và bóng tối tự do chơi đùa khắp không gian này.

Bầu trời huyền ảo phản chiếu lên mặt hồ

Dự án lần này vẫn đi theo lối mòn của sự tối giản, dễ thấy trong nhiều công trình lớn nhỏ khác của Ando. Lối đi vào khu vực triển lãm bên phải có độ dốc cho phép khách tham quan có thể nhìn thấy không gian triển lãm từ nhiều góc độ khác nhau. Dãy cầu thang ấy là nơi quy tụ của một vài sự tương phản khá quen thuộc – tương phản giữa bóng tối và ánh sáng, giữa sự thô cứng của vật liệu và sự mềm mại của ánh sáng tự nhiên, của gợn nước.

Cầu thang nối thẳng từ lòng đất lên bầu trời trong xanh

BBARCHITECTS DỊCH SÁCH: ANDO COMPLETE WORKS 1975 – TODAY (PHILIP JODIDIO)

Share post:

Comments ( 565 )

Leave A Comment

Your email is safe with us.

Contact Me on Zalo