Share

BÊ TÔNG-ÁNH SÁNG TRONG KIẾN TRÚC TADAO ANDO

BÊ TÔNG-ÁNH SÁNG TRONG KIẾN TRÚC TADAO ANDO

KHI ÁNH SÁNG KẾT HỢP VỚI BÊ TÔNG TRONG KIẾN TRÚC CỦA TADAO ANDO

Chủ nhân giải Pritzker – Kiến trúc sư Tadao Ando từng chia sẻ: Nếu có bất kỳ yếu tố nhất quán nào trong những công trình của ông, thì đó chính là việc theo đuổi ánh sáng. Biến tấu ánh sáng phức tạp trong kiến trúc của Ando trở nên mê hoặc nhất khi người xem cảm nhận được sự chuyển đổi tinh tế trong các công trình của ông.

Đôi khi, những bức tường bê tông thô cứng mang dáng vẻ bình tĩnh như đang chờ đợi đến khoảnh khắc để khoe ra những hình khối độc đáo của bóng râm. Cũng có đôi khi, nước phản chiếu làm lay động các bề mặt thô cứng một cách hết sức tự nhiên. Tadao Ando thường kết hợp kiến ​​trúc truyền thống Nhật Bản với chủ nghĩa hiện đại trong các công trình. Một số công trình kiến ​​trúc nổi tiếng của Ando, chẳng hạn như Nhà thờ Ánh sáng, Koshino House hay Đền thờ Nước đã liên kết hai khái niệm về bản sắc khu vực và hình dung hiện đại về không gian, chất liệu và ánh sáng.

Giống như những bức tường Shoji với ánh sáng khuếch tán được tái hiện trong bối cảnh của một nền văn hóa khác, được lọc qua lăng kính của đền Pantheon cổ đại của Rome, nơi ánh sáng ban ngày tràn vào bên trong đền qua một hình tròn duy nhất trên đỉnh của mái vòm, trí tưởng tượng bậc thầy của Ando đạt đến đỉnh cao khi lên kế hoạch cho chuỗi ánh sáng và bóng tối trong không gian giống như ông đã làm cho Fondation d’Art Contemporain François Pinault ở Paris.

Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại của Quỹ François Pinault | Ảnh © Collection Pinault Paris

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, người dân Nhật Bản bị cấm xuất ngoại. Nhưng khi lệnh cấm được dỡ bỏ vào năm 1964 đã tạo điều kiện cho chàng thanh niên 24 tuổi – Tadao Ando đến châu Âu bằng chuyến đường sắt xuyên Siberia.

Chuyến thăm tới thành phố Roma của Ý, đặc biệt là chứng kiến vẻ đẹp của ngôi đền Pantheon đã gây ấn tượng mạnh mẽ và mang lại cho Tadao Ando quyết tâm tiếp tục sự nghiệp của mình với tư cách là một kiến ​​trúc sư. Đến từ đất nước mà nhà văn Junichiro Tanizaki cho rằng “có truyền thống coi trọng bóng tối và sự tinh tế” trong cuốn sách In Praise of Shadows của mình thì những tia sáng di chuyển dọc theo mái vòm xuống sàn nhà phía bên trong Điện Pantheon hẳn là hoàn toàn xa lạ với Ando.

Đắm mình trong ánh sáng rực rỡ của Shoji, những cánh cửa trượt bằng giấy nổi tiếng và ánh sáng ban ngày dịu nhẹ xuyên qua khu vườn rồi đến hàng hiên đã tạo nên nét gợi cảm nhẹ nhàng của quê hương ông. Ngược lại, một đường cắt rõ ràng ở chính giữa trên trần Pantheon như một dấu hiệu ấn tượng nhằm đạt được độ sáng tối đa. Tòa nhà tràn ngập ánh sáng, việc chói mắt là điều khó tránh khỏi.

Việc chuyển trực tiếp hình học cổ đại sang kiến trúc của riêng mình trong kiến trúc của Ando có thể là điều không cần bàn cãi, nhưng ý tưởng mang đến một “làn gió mới” ấn tượng hơn đã ảnh hưởng đến rất nhiều dự án của ông – từ bảo tàng cho tới đền thờ.

Nhà thờ Ánh sáng nổi tiếng ở Ibaraki, Osaka (1989) có thể không trực tiếp vươn ra bầu trời như đền Pantheon, nhưng nó thể hiện mong muốn đối đầu giữa ánh sáng và bóng tối của Ando một cách mạnh mẽ – điều rất hiếm gặp trong kiến trúc truyền thống của Nhật Bản. Ban đầu, Ando muốn để chiếc kính hình chữ thập ở ngoài cửa – điều này sẽ làm tăng sự liên kết với đền Pantheon. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu vào mùa đông ở đây khiến điều này trở nên không khả thi.

Church of the Light (Nhà thờ Ánh sáng) ở Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Naoya Fujii

Dấu ấn đặc biệt của đền Pantheon một lần nữa được Ando vận dụng sáng tạo trong công trình Hill of the Buddha (Ngọn đồi của Đức Phật) tại Nghĩa trang Makomanai Takino, Sapporo, Nhật Bản (2017). Khi đến gần bức tượng phật, ánh sáng của bầu trời biến thành một vầng hào quang ấn tượng trên đầu Đức Phật, cho thấy sự kết hợp khéo léo của các mức độ sáng, không gian và khung cảnh khác nhau. Bầu trời xanh bao bọc và vượt qua bức tượng trắng khổng lồ. Những bức tường bê tông xám mát mẻ, trần nhà và sàn nhà tạo nên sự đồng nhất tuyệt đối trong kiến trúc của Ando.

Ngọn đồi của Đức Phật tại Nghĩa trang Makomanai Takino, Sapporo, Nhật Bản.
Ảnh: Hokkaido Fan Magazine

Các khe hở trang nhã của tường và trần trong kiến trúc Ando tạo ra nhịp điệu rất thơ của ánh sáng suốt cả ngày. Những khe hở này có vai trò như một cái rãnh để khuếch tán ánh sáng ban ngày, chúng “phá vỡ” bề mặt bê tông và tách chiều dọc khỏi chiều ngang, tăng cường chiều sâu cho không gian. Khoảnh khắc đỉnh cao tuy ngắn ngủi nhưng mãnh liệt. Nó xuất hiện khi các tia sáng mặt trời chạy dọc theo bức tường và tạo ra những hình dạng bóng râm nổi bật.

Hiệu ứng ánh sáng này trong dự án Koshino House ở Ashiya (1984) của Ando xuất hiện hai biến thể. Đầu tiên, ánh sáng sẽ chạy dọc theo các bức tường thẳng và sau đó sẽ mở rộng ra ở góc của các bức tường. Các dải bóng mờ cắt ngang các trường ánh sáng xuyên qua bức tường và nâng cao hiệu ứng ánh sáng ban ngày ấn tượng.

Koshino House ở Ashiya-shi, Nhật bản. Ảnh: Kazunori Fujimoto

Đối với Church on the Water, cây thánh giá trên cửa sổ vượt qua khoảng cách giữa giáo đoàn và cây thánh giá trên mặt nước. Tùy thuộc vào hướng mặt trời, cây thánh giá sẽ đổ bóng lên trên sàn và chuyển động lặng lẽ theo thời gian.

Church on the water (Nhà thờ trên mặt nước) ở Hokkaido, Nhật Bản. Ảnh: Ji Young Lee

Thiết kế các công trình nằm trên một hồ nước phản chiếu đã trở thành một mô hình không thể thiếu đối với Ando. Phong cách thiết kế này giúp cho những hình khối thô cứng của công trình trở nên sống động, dễ thấy ở những công trình cực kỳ ấn tượng như Komyoji Temple ở Saijo (2000) với hồ bơi hình chữ nhật,  Modern Art Museum ở Fort Worth (2002) hay Langen Foundation ở Neuss, Đức (2004). Vào ban đêm, khi mặt tiền bằng kính phát sáng từ bên trong xuyên qua những bức tường bê tông, cả công trình dường như đang lơ lửng trên mặt hồ phản chiếu.

Tọa lạc trên đảo Awaji, Water Temple (Ngôi đền Nước) thể hiện vũ đạo của ánh sáng một cách hoàn hảo. Trong khoảng trống giữa một bức tường thẳng và cong được đúc từ bê tông mịn, bầu trời mở rộng phía trên, ánh sáng bắt đầu tràn vào. Một con đường sỏi trắng bình tĩnh hòa vào vệt bóng trên đất, tạo nên cảnh sáng đầu tiên.

Cuộc hành trình dẫn tới hồ sen tròn, nơi bầu trời được phản chiếu trên mặt nước đang gợn sóng nhẹ nhàng. Khe cửa hình chữ nhật hướng mắt vào màn tối. Những bức tường bê tông trắng để lộ màu xanh mờ nhạt của bầu trời trước khi du khách đặt chân vào vùng ánh sáng đỏ khuếch tán. Bức chắn bằng gỗ ở tầng dưới biến ánh sáng xanh mát ngày hè thành màu sáng ấm áp.

Tới khu thờ chính, một sự thay đổi khác trở nên rõ ràng: ánh sáng không tới từ phía trên mà từ phía trước, dẫn lỗi tín đồ đi theo ánh sáng vào thánh đường. Chuỗi không gian này ngưng tụ thành một cuộc hành hương vào ngôi đền – một lối đi màu trắng thanh tịnh, một hành trình vào bóng tối, rồi bật dậy với màu đỏ tươi tựa máu thể hiện sự sống.

Water Temple trên đảo Awaji, Nhật Bản. Ảnh: Relan’s Terraces

Giáo sư kiến trúc Hoa Kỳ Henry Plummer so sánh lối đi tâm linh dẫn ngược với sự ra đời: “Hình ảnh leo ngược khỏi ánh đỏ gắt gao để trở lại với ánh sáng màu xanh mỏng manh ngoài kia, đi qua khoang tối, đi qua tử cung tiến tới không khí khô, như đang khơi dậy những hình ảnh rực rỡ vượt xa trí tưởng tượng của chúng ta.”

Nguồn: Archdaily.com.

BẢN DỊCH VÀ BIÊN TẬP DO BBARCHITECT THỰC HIỆN

Share post:

Comments ( 2.727 )

Trả lời Mrhuax Hủy

Your email is safe with us.

Contact Me on Zalo