Share

BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT LEE UFAN – TADAO ANDO

BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT LEE UFAN – TADAO ANDO

Bảo tàng Nghệ thuật Lee Ufan là bảo tàng đầu tiên vinh danh một nghệ sĩ Hàn – Nhật, người có vai trò quan trọng trong phong trào Mono-ha vào khoảng năm 1970. Lee Ufan là một họa sĩ, nhà điêu khắc tối giản nổi tiếng người Hàn Quốc, đồng thời cũng là một học giả được chính phủ Nhật vinh danh nhờ những đóng góp cho sự phát triển của Nghệ thuật đương đại ở Nhật Bản.

Vị trí: Naoshima, Kagawa

Tổng diện tích:  9859.8 m²

Diện tích sàn: 443.0 m²

Dự án: Bảo tàng

Lee Ufan Museum, Naoshima – Tadao Ando

Lee Ufan Museum – Bảo tàng Nghệ thuật Lee Ufan nằm trên đảo Naoshima, mở cửa đón khách tham quan vào tháng 6 năm 2010, là kết quả của sự hợp tác giữa nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Lee Ufan và kiến trúc sư Tadao Ando. Trước đó, Tadao Ando đã thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Benesse House (trước đây là Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Naoshima, 1992) và Bảo tàng Nghệ thuật Chichu (2004) cũng trên hòn đảo xinh đẹp này.

Sơ đồ các công trình kiến trúc trên đảo Naoshima

Công trình độc đáo có cấu trúc một nửa nằm dưới lòng đất này là nơi trưng bày những bức tranh và tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Lee Ufan từ những năm 1970 đến nay. Nằm trong một thung lũng thoai thoải được bao quanh bởi những ngọn đồi và đại dương, bảo tàng mang đến một không gian tĩnh lặng nơi thiên nhiên, kiến trúc và nghệ thuật cộng hưởng với nhau, mời gọi bạn đến với sự chiêm nghiệm yên bình và tĩnh lặng, trong một xã hội tràn ngập của cải vật chất.

“Như trong một số kiến ​​trúc trước đây của tôi, sự hợp nhất với thiên nhiên và hòa vào cảnh quan là tiêu chí thiết kế hàng đầu”, kiến trúc sư chia sẻ.

Bảo tàng Lee Ufan là sự tổng hòa của 3 yếu tố: thiên nhiên, kiến trúc và nghệ thuật

Toàn bộ công trình bao gồm ba phòng trưng bày hình chữ nhật được xây dựng trong lòng đất, khu tiền cảnh hình tam giác khép kín và một mảnh sân nằm kế bên được ngăn cách bởi những bức tường song song.

Sân trước rộng 30×30 mét vuông lát đá cuội là nơi chào đón khách tham quan. Sau đó, du khách sẽ đi dọc theo một lối đi hẹp được tạo bởi hai bức tường song song dẫn đến khu vực hình tam giác. Sự xuất hiện của lối đi này giống như một lát cắt trong địa hình của khu vực đón khách. Góc nhọn của hình tam giác là lối vào của ba phòng trưng bày nằm dưới lòng đất.

Quy mô, điều kiện ánh sáng và các chất liệu khác nhau của công trình là kết quả của quá trình làm việc tỉ mỉ, kỹ lưỡng với nghệ sĩ Lee Ufan. Do đó, kiến trúc đã được điều chỉnh cẩn thận sao cho phù hợp với các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày.

“Ý định của tôi,” kiến ​​trúc sư kết luận, “là tạo ra mối tương quan mật thiết với các tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ, khiến du khách cảm thấy chân thực như thể bị hút vào chiều sâu của không gian.” Các tác phẩm của Lee Ufan cộng hưởng với kiến trúc của Ando khiến cho du khách ấn tượng về sự tĩnh lặng và năng động.

BBARCHITECTS DỊCH SÁCH: ANDO COMPLETE WORKS 1975 – TODAY (PHILIP JODIDIO) VÀ BIÊN TẬP

Share post:

Comments ( 9.630 )