Share

AIT/IIT: OPEN CAMPUS – KHUÔN VIÊN MỞ

AIT/IIT: OPEN CAMPUS – KHUÔN VIÊN MỞ

Mies trở lại Chicago vào tháng 9 năm 1938 để thực hiện lời hứa của mình với Học viện Công nghệ Armour (AIT). Vào thời điểm đó, trường Kiến trúc thuộc AIT được đặt trong khuôn viên Học viện Nghệ thuật Chicago. Chỉ trong vòng sáu tháng kể từ khi Mies đến, Chủ tịch Henry Heald đã nhờ ông lên kế hoạch mở rộng học viện tại trụ sở chính ở khu vực Near South Side thuộc Chicago. Trong vài năm, học viện nhỏ này đã tìm cách chuyển mình trở thành một trung tâm giáo dục định hướng nghiên cứu về kỹ thuật, thiết kế công nghiệp và công nghệ để cạnh tranh với các tổ chức quốc gia như Viện Công nghệ Massachusetts. Phía AIT mong muốn di dời khu học xá nhưng không thành công.

Gia đình Armour - vốn thành công và kiếm bộn tiền nhờ ngành công nghiệp chế biến thịt - đã rót những khoản đầu tư từ thiện đáng kể vào khu vực phía nam Chicago kể từ năm 1886. Lần thiện nguyện đầu tiên mang tên Sứ mệnh Armour diễn ra ở Nhà thờ Plymouth Congregational, do Burnham & Root thực hiện. Cũng trong năm 1886, gần hai trăm căn hộ Armour (Armour Apartments) được xây dựng. Cuối cùng là sự đóng góp của họ cho Học viện Armour vào năm 1891. Armour là một trường đại học dành cho các kỹ thuật viên và kỹ sư công nghiệp với tầm nhìn bao quát, đại kết và đa dạng chủng tộc.

Sau khi nghiên cứu các địa điểm thay thế cho trường một lần nữa vào năm 1937, phía nhà trường quyết định giữ nguyên vị trí ban đầu và mua thêm 30 mẫu Anh (12 ha) đất. Khuôn viên mới sẽ trải dài trên 40 mẫu Anh (16 ha) và sáu khối phố từ đường 31 đến đường 35 dọc State Street. Địa điểm này ban đầu được đặt tên là Rock Island Railroad (Đường sắt đảo Rock), sau đó đổi thành New York Central Railroad (Đường sắt Trung tâm New York).

Năm 1940, AIT hợp nhất với Viện Lewis tạo thành Học viện Công nghệ Illinois (IIT: Illinois Institute of Technology), đồng thời mở rộng quy mô và số lượng sinh viên không nội trú tại trường dự kiến ​​rơi vào khoảng 2.500 bạn. Định hướng nhập cư và quốc tế hóa của Lewis đã bổ sung thêm một lượng sinh viên nam thuộc tầng lớp lao động, da trắng và chủ yếu là người địa phương của Armour. Dự kiến, khu học xá sẽ phát triển với số lượng khoảng 10.000 sinh viên trong vòng mười năm nếu có kinh phí.

Khuôn viên Học viện Công nghệ Armour (AIT)từ trên cao và mô hình tái xây dựng được đề xuất bởi Mies

Quyết định mở rộng của nhà Armour là một trong những sự kiện quan trọng mở đầu cho chiến dịch đổi mới đô thị rộng khắp Near South Side, tập trung vào việc phát triển một loạt các dự án quan trọng – Bệnh viện Michael Reese, Cơ quan Quản lý nhà ở Chicago, Bệnh viện Mercy và IIT – cũng như một số dự án nhà ở tư nhân. Các nhân vật chủ chốt như Heald, Mies và Ludwig Hilberseimer tham gia vào dự án xây dựng IIT trong khi Walter Gropius, các nhà quy hoạch Reginald Isaacs (1911-1986) và Walter Blucher (1901–1989), nhà phát triển bất động sản Ferdinand Kramer và nhà xã hội học Louis Wirth (1897 -1952) tham gia vào dự án Đại học Chicago. Các tổ chức này đã hợp tác để thành lập Ban Quy hoạch phía Nam, ban này chuẩn bị một bản đồ quy hoạch một khu đất rộng 18km vuông (7 dặm vuông), một trong những bản quy hoạch hiện đại có quy mô lớn đầu tiên trên cả nước. Tận dụng các biện pháp được nêu ra trong luật New Deal như Đạo luật Nhà ở năm 1937, sau nhiều nỗ lực AIT/IIT đã góp phần nới rộng luật liên bang để hỗ trợ giải phóng mặt bằng và phát triển các khu ổ chuột, bao gồm cả các Đạo luật về Nhà ở năm 1949 và 1954.

Từ năm 1938 đến năm 1941, Ủy ban Kế hoạch Chicago (CPC: Chicago Plan Commission) đã tiến hành một cuộc khảo sát sử dụng đất trên toàn thành phố Chicago. Kết quả chỉ ra rằng Near South Side là khu vực hoang tàn nhất trong thành phố, thậm chí nhất Bắc Mỹ. Ban đầu,  nơi này được phát triển như một khu phố thời thượng vào cuối thế kỷ 19 song bị biến đổi kể từ khi số người da đen của thành phố tăng gấp đôi. Trong những năm 1910, đã có hơn 60.000 người Mỹ gốc Phi đã di cư từ vùng nông thôn miền Nam tới đây để tham gia vào ngành công nghiệp do sản xuất thời chiến tạo ra. Ngày càng nhiều người da đen tới South Side định cư ở một khu vực được gọi là ‘Vành đai Đen’, một dải đất hẹp dọc đường sắt và đất công nghiệp ở phía nam khu Loop của Chicago, hướng về phía AIT. Khu phố này nuôi dưỡng các doanh nghiệp và cửa hàng bán lẻ của riêng mình, cũng như một khung cảnh xã hội và cuộc sống về đêm độc đáo, sống động với nhiều câu lạc bộ nhạc jazz hàng đầu thành phố. Tuy nhiên, căng thẳng chủng tộc nổi lên và người da trắng ngày càng ít. Trong thời kỳ Đại suy thoái, ‘Vành đai đen’ trở thành nơi tập trung những ổ buôn lậu, sử dụng ma túy, cờ bạc… Do không được bảo dưỡng và sửa chữa đầy đủ nên nhiều tòa nhà đã bị xuống cấp. Đến năm 1941, bang đã ban hành luật ủng hộ chính sách của CPC về việc giải tỏa và tái phát triển các khu ổ chuột cho các khu ổ chuột trên toàn thành phố.


Sau khi diễn ra chương trình thu hồi đất, phía IIT đã nhanh chóng yêu cầu CPC cho phép mở rộng thêm diện tích ở Near South Side, bao gồm các ô đất từ đường 31 đến đường 35 thuộc phía đông của hành lang đường sắt. Ngay từ năm 1937, rất lâu trước khi họ tập hợp đất, viện đã ủy quyền cho John Holabird – một giảng viên của trường đồng thời là người tuyển dụng Mies trước đây – thiết kế một khuôn viên trường hợp nhất cùng dự tính phá hủy tất cả các tòa nhà hiện có trên mười hai khối phố, ngoại trừ tòa Romanesque Revival lịch sử của Armour. Bản vẽ thứ hai có tên Beaux-Arts sẽ được thiết kế bởi một giảng viên khác – ông Alfred Alschuler (1876-1940) ngay trước khi ông qua đời.

Để bắt đầu tiến hành dự án xây dựng học xá mới, Mies đã mở một văn phòng tại Tòa Giao dịch Đường sắt, đối diện với sảnh của John Rodgers. Ông thuê Rogers làm trợ lý hành chính của mình tại AIT. Vào mùa xuân năm 1939, George Danforth gia nhập cùng Mies và Rogers. Mies đã bắt đầu bằng việc nghiên cứu những yêu cầu về không gian của Armour. Nhiệm vụ đầu tiên của Mies giao cho Danforth là chồng một lưới lên toàn bộ địa điểm trên các sơ đồ ô lớn. Mies đã đặt một vịnh (lối đi) có kích thước 7,3 mét (24 feet) sau khi nghiên cứu nhiều cách sắp xếp phòng có thể có cho các phòng ban khác nhau và thử nghiệm các kích thước thay thế. Lưới 7,3 mét (24 foot) cung cấp cấu trúc tối ưu cho các lớp học đồng thời cũng đáp ứng các chức năng khác, cả chức năng lớn hơn và nhỏ hơn. Đây là lần đầu tiên Mies sử dụng lưới này như một công cụ để vẽ sơ đồ, nhằm biến các tòa nhà thành các khối lăng trụ ép thẳng đứng cao từ hai đến ba tầng, mà học giả kiến ​​trúc Sarah Whiting gọi là ‘chủ nghĩa đô thị phù điêu‘.

Khuôn viên AIT/IIT; bố cục các lớp học và phòng thí nghiệm trong mô-đun vịnh 7,3 mét (24 foot), 1939

Danforth nhớ lại: Mies từng ‘cảm thấy mô-đun là một thứ rất quan trọng cần xác định… để các tòa nhà không bị sắp xếp lộn xộn trong tương lai, nó chính là nguyên tắc hướng dẫn‘. Trong một bài báo năm 1949, Mies đã chú thích rằng tính linh hoạt vốn có của mạng lưới mô-đun cho khu học xá ‘có ý nghĩa rất lớn đối với một học viện có số lượng tuyển sinh trước chiến tranh là 2.500 và hiện tại đã tăng lên 7.000. Nếu cần thiết, nó có thể mở rộng hơn nữa; nó có thể được chuyển đổi một cách dễ dàng như nhau khi các yêu cầu về không gian thay đổi và khi công nghệ phát triển với những bước tiến khổng lồ.’ Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của cả tính linh hoạt và độ bền trong việc xác định hệ thống xây dựng cho các tòa nhà và cả cấu trúc của khu học xá.

‘Chúng tôi ước tính thời gian xây dựng là mười năm và xét đến cả rủi ro những tòa nhà đầu tiên sẽ lỗi thời trước khi tòa nhà cuối cùng hoàn thành… Mười năm vừa trôi qua. Rất có thể chúng tôi phải mất thêm mười năm nữa để hoàn thành khu học xá. Nhưng tôi không sợ điều đó.’

Mies van der Rohe và Ludwig Hilberseimer và mô hình sơ bộ của khuôn viên IIT

Chắc chắn rằng sự gia tăng nhanh chóng về số lượng sinh viên đăng ký sau Thế chiến thứ hai sẽ tạo ra nhu cầu về một loại quy hoạch học xá mới có khả năng phát triển và thay đổi tốt hơn so với hình mẫu khu học xá truyền thống. Phyllis Lambert cho rằng, có thể chính kinh nghiệm trực tiếp của anh ấy về các thành phố lưới điện của Mỹ đã truyền cảm hứng cho Mies sử dụng lưới điện mô-đun như một thiết bị tổ chức, hoặc có lẽ là nhờ Hilberseimer đã khuyến khích Mies sử dụng lưới trong các dự án giảng dạy và lập kế hoạch của mình kể từ thời Bauhaus. Khi đồng ý thực hiện dự án của AIT, Mies đã khăng khăng đưa Hilberseimer từ Berlin theo và thuê Walter Peterhans vốn ở Hoa Kỳ cùng hợp tác.

Hilberseimer đã hỗ trợ tích cực cho Mies trong việc lập sơ đồ khu học xá của viện. Bất kể nguồn cảm hứng thực sự của Mies đến từ đâu thì đây cũng là lần đầu tiên ông sử dụng lưới mô-đun để điều phối quy hoạch địa điểm, quy hoạch không gian nội thất và xây dựng cấu trúc một trong những dự án của mình.

Trong các cuốn sách The New City (1944), The New Regional Pattern (1949) và The Nature of Cities (1955), Hilberseimer đã cố gắng phân biệt giữa các thành phố hữu cơ các thành phố chuyên quyền, coi các hình thức đô thị là biểu hiện của hệ thống chính trị. Trong khi những người khác mô tả tất cả các thành phố dạng lưới là cơ giới (Mechanistic) – tức là ngược lại với hữu cơ (Organic) – thì Hilberseimer phân biệt giữa thành phố dạng lưới phục vụ các xã hội chuyên quyền như Versailles, Karlsruhe và Bắc Kinh – nơi thể hiện quyền lực của những người cai trị bằng cách áp đặt một quy hoạch hình học lên cảnh quan với các trục bị chi phối, dẫn đến các tòa nhà quan trọng với thành phố dạng lưới tự do, chẳng hạn như các thành phố được quy hoạch theo “Hippodamian plan” – một kiểu quy hoạch đô thị dạng lưới được đặt theo tên của người đầu tiên phát minh ra nó (Hippodamus: một kiến trúc sư Hy Lạp cổ đại, nhà quy hoạch đô thị, người được coi là “cha đẻ của quy hoạch đô thị châu Âu” với bản vẽ quy hoạch dạng lưới) thời Hy Lạp cổ đại: Miletus và Priene.

Miletus nằm trên một bán đảo, được chia thành các quận trực giao riêng biệt, mỗi quận đều có thể nhận ra ngay lập tức bởi quy tắc riêng của mỗi nhóm các tòa nhà công cộng, đường phố và các dãy nhà sắp xếp dạng lưới có kích thước phù hợp với các chức năng khác nhau. Ông kết luận: ‘Tính chất hình học không nhất thiết phải tạo ra một mô hình hình học theo trục của thành phố. Miletus được phát triển bằng sự tự do tuyệt vời. Sự sắp xếp tự do các hội trường, các tòa nhà công cộng được chia thành hàng, cột ngay ngắn giúp cho việc thực hiện bất kỳ thay đổi nào cũng không làm ảnh hưởng đến sự hài hòa của kiến ​​trúc.’ Đối với Hilberseimer, một trong những điểm nổi bật của quy hoạch hữu cơ là cho phép thay đổi bất cứ khi nào.

Khi nghiên cứu dự án và tìm mô-đun xây dựng tối ưu, Mies đã khám phá ra những ưu thế và bất lợi của các hình dạng tòa nhà thay thế thông qua một loạt các bản phác thảo. Xem xét các khía cạnh trong bản vẽ của Holabird, Mies giả định rằng một số ô phố sẽ được hợp nhất thành các một khối lớn nằm giữa ô phố 33, đóng vai trò là lối vào chính và xương sống của khu học xá mới. Ngoại trừ đường Dearborn và Federal chạy theo hướng bắc/nam, mang lại sự linh hoạt hơn trong việc lập kế hoạch cho các tòa nhà lớn hơn và các không gian mở mới, có cảnh quan. Cũng như Holabird, Mies đã triển khai các tòa nhà đứng độc lập để tạo ra một khu học xá trung tâm xanh mát giống kiểu truyền thống của các trường đại học Mỹ. Holabird hình dung ra những tòa nhà hình chữ L và hình chữ U, những tòa nhà này sẽ tạo ra sân trong giống như những ‘căn phòng’ ngoài trời, không giống như những tòa nhà hình chữ nhật đơn giản và không gian chảy của Mies.

Khuôn viên AIT/IIT; các mặt chiếu sơ bộ có phối cảnh, 1939

Thuật ngữ campus – ‘khuôn viên/khu học xá‘ đã được giới thiệu vào thế kỷ thứ mười tám để mô tả hình thức tổ chức đặc biệt của Mỹ, nó bao gồm một nhóm các trường đại học được bao quanh bởi một khu vườn xanh. Những trường trường học đầu tiên áp dụng hình thức này có thể kể đến như Đại học Princeton, Đại học William and Mary hay khu học xá có tường bao quanh như Harvard Yard. Nhiều cơ sở của Đại học Virginia đã mô phỏng hình thức này, những khu học xá với bãi cỏ dốc thoai thoải dẫn từ thư viện về phía các lớp học, hai bên là các phòng trưng bày được liên kết bằng hàng cột liên tục. Tại Hội chợ Thế giới năm 1893 diễn ra ở Colombia do Daniel Burnham (1846-1912) và Frederick Law Olmsted (1822-1903) thiết kế, khuôn viên của các tòa nhà độc lập đã trở thành khuôn mẫu cho phong trào Thành phố Đẹp. Bản vẽ Đại học Columbia tại New York của Công ty kiến trúc McKim, Mead and White những năm 1890 là ví dụ điển hình của một khu học xá với những dãy phòng học dày đặc, trong khi một cơ sở thương mại thuộc Trung tâm Rockefeller của Raymond Hood (1932-40) lại thể hiện tiềm năng của tòa nhà độc lập được nhóm xung quanh các tuyến đường và các khu vườn nằm giữa những ô phố, ngay cả ở các quận cao tầng. Clarence Stein và Henry Wright đã sử dụng ý tưởng ‘campus’ cho nhà ở thuộc khu dân cư Sunnyside Gardens, quận Queens, NYC (1924-8) để phát triển một khu dân cư ‘tuyệt vời’ đầu tiên. Khu dân cư sẽ có các sân cảnh ở giữa các ô phố và các tuyến đường dành cho người đi bộ.

Bản vẽ IIT của Mies được công bố năm 1942 cho thấy sự mở rộng hiện đại của một khu học xá truyền thống, IIT trở thành nhóm các tòa nhà giáo dục có thiết kế hiện đại quan trọng đầu tiên của Hoa Kỳ’. Nó cũng được coi là một sự kiện tiên phong cho việc khái quát hóa ý tưởng khuôn viên trường thành một cảnh quan thành phố. Các bản phác thảo sơ bộ của Mies đã khám phá những cách sắp xếp khác nhau, trong đó khu vườn xanh có thể đặt ở vị trí trung tâm của hai tòa nhà hình chữ nhật lớn, thấp kết hợp với các tòa nhà tuyến tính cao hơn. Trong một số bản phác thảo, Mies sắp xếp chúng song song dọc theo các cạnh đường phố; một số bản phác thảo khác, ông đặt chúng thành hàng, hoặc dựng các tòa nhà trung tâm. Các tòa nhà tuyến tính phù hợp đặt các phòng học; còn các tòa nhà thấp hơn có thể dùng cho các công tác phục vụ như phòng Liên hiệp Sinh viên hay thư viện – điều này  ngay từ đầu đã được coi là định hướng quan trọng đối với nhịp sống của cả ngôi trường. Rodgers và Danforth đã từng cùng làm việc và nghỉ ngơi với Mies trong vài tuần hè tại một nhà nghỉ trên hồ Pike, Wisconsin. Tại đây, họ đã khám phá ra các cấu trúc khác nhau của các tòa nhà độc lập và không gian mở tạo cảnh thông qua các bản phác thảo và mô hình xây dựng. Lilly Reich cũng tham gia cùng với họ. Bà tới Chicago vào tháng 7, trở lại Berlin vào tháng 9 và ở đó cho đến khi qua đời năm 1947.

Danforth xác nhận các bản phác thảo sơ bộ của Mies tiết lộ rằng ông ưu tiên tìm cách sắp xếp ‘không gian’ – sắp xếp các tòa nhà để tạo nên hình dáng và nhịp điệu cho cả không gian xung quanh chúng, lối vào và khung cảnh cũng được tính toán để trải nghiệm đi bộ xuyên suốt toàn bộ diện tích của trường đều tốt. Bản vẽ Beaux-Arts của Holabird và quy hoạch khuôn viên trường cũng như công thức thiết kế đô thị đã phát triển ở cả hai bờ Đại Tây Dương cũng có cách sắp xếp tương tự. Trong khi các hoạt động của Städtebau (thiết kế đô thị) đã hình thành từ lúc sự nghiệp của Mies mới bắt đầu, khi ông vẫn giữ tính đối xứng trong đề xuất của Holabird, thì tất cả các bản phác thảo của ông trước đây đều đã tồn tại một không gian mở, linh hoạt và trừu tượng ở quy mô tòa nhà. Điều thú vị là mô hình không gian này cũng đã được nghiên cứu ở quy mô đô thị bởi Camillo Sitte. Bằng cách sắp xếp các tòa nhà hình chữ nhật theo hình chong chóng mở để xác định một quảng trường đô thị, nhà quy hoạch người Áo này có thể đạt được các nguyên tắc thiết kế đô thị đẹp như tranh vẽ của mình theo kiểu hiện đại.

Trong khi khám phá các cấu hình thay thế cho khu học xá, Mies tập trung vào ba kiểu tòa nhà cơ bản: tòa nhà học thuật tuyến tính (nơi đặt các phòng học cho sinh viên), phòng thí nghiệm và các tòa nhà chung lớn. Hầu hết các tòa đều là hình vuông. Ông thiết kế các tòa nhà tuyến tính cao hơn để xác định ranh giới không gian của địa điểm đồng thời vẫn giữ cho các tòa này có không gian mở ở mọi phía. Khi được sắp xếp cùng với các tòa nhà hình chữ nhật thấp tầng, chúng tạo thành một tập hợp các không gian mở khác biệt – một số nhỏ, một số lớn, một số hẹp, một số rộng với các góc nhìn chéo, góc không đối xứng và rộng mở trên mặt đất. Mies tiếp tục tìm kiếm sự sắp xếp tối ưu bằng cách chuyển sang các bản phác thảo phối cảnh ngang tầm mắt, điều này cho phép ông kiểm tra khối lượng, khoảng cách và mối quan hệ của các tòa nhà theo các góc nhìn mà chúng sẽ tạo ra. Những bản phác thảo này sau đó được các trợ lý của ông vẽ lại thành những bản vẽ được đo đạc chính xác hơn và phát triển thêm. Danforth nhận xét, ‘Tôi thấy khá kì diệu khi Mies có thể thể hiện điểm nhìn trong một bản phác thảo mà nó gần như chính xác so với một bản vẽ được đo đạc‘.

Khuôn viên AIT/IIT; phác thảo phối cảnh nhìn về phía tây dọc đường 32, 1939-40

Mặc dù đã thực hiện hàng trăm nghiên cứu, trong đó nhiều nghiên cứu đã tìm ra cách tốt nhất để đáp ứng những nhu cầu cụ thể của dự án nhưng Mies và các trợ lý của ông chọn ra ba bản vẽ để trình bày lần đầu tiên. Mặc dù hai dãy nhà nằm giữa ô phố 33 là hình ảnh phản chiếu gần như hoàn hảo của nhau, nhưng nếu xét một cách độc lập thì cách sắp xếp của chúng không đối xứng và có tính đa dạng. Chúng bao gồm các tòa nhà có kích thước, hình dạng khác nhau và những không gian mở khác biệt kết nối với nhau được lát đá và trồng cây. Tòa nhà Hội sinh viên và thư viện có hình chữ nhật, hai tầng được xếp đối xứng dọc theo các trục bên trong, chúng trở nên ấn tượng với những khoảng sân trong và tập hợp  mái nhà nhìn từ trên cao. Những tòa nhà lớp học tuyến tính bốn tầng được nâng lên bởi các cột (pilotis) và có tháp cầu thang tách biệt, phục vụ cho việc xác định ranh giới phía đông, nam và bắc của khu trung tâm. Các tòa nhà ba tầng rộng hơn một chút dành cho khoa Vật lý và Hóa học nằm bên cạnh lối vào chính của khuôn viên trường; chúng cũng được nâng lên bởi cột và đặc trưng và bên trong giảng đường hình quạt hướng vào tứ giác trung tâm. Các tòa ‘phòng thí nghiệm lớn’ cho ngành Cơ khí và Xây dựng yêu cầu kích thước rộng hơn và nằm dọc rìa phía tây. Vốn đã có sự khác biệt, những tòa nhà này còn được kết nối thêm với một loạt các bức tường bao quanh bằng kính và gạch giúp điều chỉnh độ trong suốt và độ mờ của chúng phù hợp với các chức năng bên trong.

Khuôn viên AIT/IIT; phối cảnh nhìn từ phía nam qua thảm cỏ xanh đến thư viện, 1939-40 (do George Danforth mô tả)

Những nghiên cứu đầu tiên cũng tiết lộ rằng từ đầu Mies đã chú ý đến việc thiết kế nội thất cho các tòa nhà này, đặc biệt là tòa nhà Hội sinh viên có sức chứa khoảng 800 đến 1.200 người và khu phục vụ ăn uống. Một bản vẽ bằng than chì phác thảo một hội trường mở có diện tích khoảng 60×90 mét (200×300 feet) với lưới cột cao 15 mét (48 feet) và định hình bên trong các phòng. Tương tự như vậy, Khoa Kiến trúc được đặt trong một hội trường lớn với các vách ngăn bằng gỗ có thể di chuyển được. Cách sắp xếp theo thứ tự này không chỉ gợi lại sơ đồ mở Brussels Pavilion chưa được thực hiện mà còn là sơ đồ của toàn bộ khu học xá hiện đã hoàn thành. Một phiên bản sơ bộ của phối cảnh có điểm nhìn trên cao cho thấy cấu trúc mái bên ngoài của tòa nhà Hội sinh viên có sự tương đồng với Cung điện Liên Xô của Le Corbusier năm 1931. Sơ đồ mở đã gợi ý một số điều về không gian chung trong các dự án sau này của Mies – cấu trúc khung ngoài trở thành hệ thống cấu trúc ưa thích của kiến ​​trúc sư.

Trong suốt hai năm tiếp theo, Mies tiếp tục phát triển dự án khuôn viên trường khi số lượng tòa nhà, chương trình của họ và các yếu tố khác tiếp tục thay đổi. Các tòa nhà một tầng chứa hỗn hợp phòng thí nghiệm và phòng học xuất hiện. Hội đồng Quản trị yêu cầu giữ lại một số cơ sở vật chất ban đầu của viện. Chi phí xây dựng đã làm cho các tòa nhà ba và bốn tầng bị sụt giảm so với mặt bằng của chúng, làm mất mặt bằng rộng rãi. Mies cũng có ý định thay đổi thiết kế cầu thang và giảng đường mà lúc đó ông cho là ‘quá đậm chất chủ nghĩa ấn tượng’. Danforth kể lại rằng Mies ‘không bao giờ do dự khi thử một thứ gì đó dù nó có thể tệ hại’. Sau khi thử nghiệm, ‘Mies biết mình đang phải giải quyết vấn đề gì‘. Sau một lần nữa nghiên cứu nhiều lựa chọn thay thế, Mies quyết định thiết kế cho lõi trung tâm đủ rõ ràng nhưng cũng đủ linh hoạt để ứng biến với các thay đổi tiếp theo mà không làm mất cấu trúc của nó. Tổ chức không gian của khu học xá trở nên đơn giản dần thông qua quá trình này. Chất lượng hình ảnh của nó trở nên năng động hơn khi Mies xen kẽ cấu trúc nén và mở để tinh chỉnh luồng không gian và nhịp điệu giữa các tòa nhà.

Khuôn viên mở của Mies tái hiện lại các nguyên tắc tiên phong của Karl Friedrich Schinkel, người đã làm nên các tòa nhà độc lập ở trung tâm lịch sử của Berlin. Trong khi tạo hình bên trong các tòa nhà của mình một cách logic, Mies đã sắp xếp các tòa nhà này một cách cẩn thận dựa vào những không gian hiện có để xác định không gian chung kiểu mới và không có ranh giới hoàn toàn giữa chúng. Trước đó, Mies đã biết đến một công trình tiền thân khác giá trị hơn, đó là Ideal City (Thành phố lý tưởng) – một thiết kế của KTS Claude-Nicolas Ledoux vào khoảng năm 1800. Thành phố lý tưởng như một phần mở rộng giả định Saltworks (Xưởng Muối) của ông tại Chaux, xây dựng trước Cách mạng Pháp. Được giải phóng khỏi chủ nghĩa tượng hình (pictorialism) và chủ nghĩa hữu cơ nhựa (plastic organicism) của thành phố mang nét kiến trúc Baroque, Ideal City của Ledoux không còn bị ràng buộc về mặt không gian và có tổng thể sống động. Nó sử dụng “thiết kế gian hàng” để tạo ra một điều kiện thực địa, trong đó tòa nhà và cảnh quan được tích hợp, một phần sẽ được thiết kế xung quanh một điểm hình học đồng thời lan rộng ra bề mặt diện tích lớn hơn. quy mô đô thị, Hilberseimer đã liên kết ‘xu hướng hướng tới sự tự chủ’ với ‘xu hướng hướng tới sự cởi mở’ khi nghiên cứu Ideal City của Ledoux hay dãy nhà hình lưỡi liềm ở Bath.

Ideal City – Claude-Nicolas Ledoux


Mies đã xây dựng mô hình mở như một cấu trúc trường với cấu trúc phức tạp hơn và tạo khoảng trống tốt hơn Hilberseimer từng làm. Ông nhóm các khối tòa nhà độc lập trên một dải nằm ngang (gồm thảm cỏ xanh, quảng trường hoặc chân cột) bằng cách kết hợp các yêu cầu chức năng và lưới mô-đun bên dưới. Việc làm cho các tòa nhà trượt qua nhau nhằm tạo ra một trường trải nghiệm không gian mở, trôi chảy và tác động tích cực đến các giác quan, trong đó các góc nhìn mở rộng và thay đổi theo kiểu điện ảnh. Đối với Mies, ‘mở’ không chỉ là một thuộc tính của hình thức vật lý (về mặt không gian) mà còn là trải nghiệm của những người sinh sống trong đó. Vào cuối những năm 1960, khuôn viên của Mies có sự góp mặt của các kiến ​​trúc sư trẻ người Anh – Alison và Peter Smithson. Họ là những nhân vật chính có đóng góp tích cực trong Team Ten đồng thời là những nhà phê bình của Tổ chức Kiến trúc Hiện đại Quốc tế (CIAM).

Hai kiến trúc sư này ngưỡng mộ nhiều điều về Mies: khả năng nâng cao sự bình thường lên ‘một loại chân giá trị’, coi ‘chất liệu là điều quý giá’ và kết hợp ‘ngoại thất ổn định và nội thất biến đổi’. Nhưng trên hết, họ xác định được ‘sự bất tử’ của Mies trong ‘mô hình đô thị xanh có cấu trúc không gian mở’ của khuôn viên IIT và cả trong dự án nhà ở của ông sau này ở Lafayette Park, Detroit (1955-65), ‘cùng với lớp phủ trung hòa lặp đi lặp lại gần như tự chủ’ trong các tòa nhà của ông.

Qua ‘mặt tiền đơn giản, tỉ mỉ’ của Eames House ở Santa Monica (1945-9) được thiết kế bởi Mies, Smithsons nhận xét: có một điều gì đó đã thay đổi trong ‘những dự án đô thị lớn ngày càng nhiều mặt tiền tối giản của Mies van der Rohe’. Chắc chắn rằng mặt tiền công trình của Mies không có tính chuyển động linh hoạt; nhưng chúng vẫn đồng nhất và đồng đều với nhau. Tuy nhiên, Smithsons ngụ ý rằng hình thức trung hòa của Mies cũng hỗ trợ một hình thức cư trú mạnh mẽ, đồng thời nó cũng rất quan trọng trong việc ‘sạc’ các không gian xung quanh bằng ‘khả năng liên kết’ – nhằm tạo ra các hiệu ứng mở rộng không gian mà Mies đã nghiên cứu trong các bản phác thảo phối cảnh của mình. Tính trung hòa này đã tạo thành một bối cảnh quan trọng cho phép các sự kiện của cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn, như Grete Tugendhat đã nhận ra nét mộc mạc trong ngôi nhà của cô ở Brno. Cũng giống như ‘nội thất cố định’ trong các tòa nhà lưới sẵn sàng thay đổi cách sử dụng và cấu hình bên trong của ông; khuôn viên lưới hỗ trợ một quá trình phát triển không giới hạn giúp các kiến ​​trúc sư khác ngoài Mies và tiếp tục tốt sau nhiệm kỳ kiến ​​trúc sư của khuôn viên trường. Điều mà Smithsons cảm nhận được là kiến ​​trúc hữu cơ của Mies cũng là một kiến ​​trúc mở, cung cấp một cơ sở hạ tầng và nền tảng cho cuộc sống mở ra.

Trong bức ảnh chụp quang cảnh từ trên không của khuôn viên mà Mies đã gửi cho cuộc thi Alexanderplatz ở Berlin năm 1928, ông đã đạt được sự cân bằng giữa sự biến đổi và tính liên tục. Đề xuất ngay lập tức điều chỉnh khác hoàn toàn với bối cảnh ban đầu và được lồng ghép một cách tinh tế. Mặc dù nổi tiếng là thường bỏ qua các bối cảnh lịch sử, nhưng trên thực tế Mies đã rất cẩn thận trong các dự án đô thị của mình để có thể liên kết cấu hình các tòa nhà với không gian công cộng xung quanh, ngay cả khi quy mô và hình thức của chúng khác nhau. Bằng cách duy trì các tuyến phố hiện có cho khuôn viên trường, sử dụng đường số 33 thành lối vào chính và cung cấp một góc nhìn xuyên suốt cho cảnh quan công cộng, bản vẽ IIT đã đạt được sự cân bằng tương tự. Hình ảnh quảng trường Alexander (Berlin) đã làm dịu đi sự tương phản giữa mới và cũ thông qua việc đưa ra một đề xuất mới vẽ bằng chì với kết cấu và tông màu gần giống với kết cấu và tông màu của lịch sử. Để so sánh, quang cảnh nhìn từ trên không của IIT nhấn mạnh sự khác biệt đến bất ngờ. Nó coi mặt đất như một bề mặt trống trơn, sạch sẽ và không bị gián đoạn bởi các tuyến đường. Các đường viền sắc nét và sự ăn khớp trên bề mặt của các tòa nhà đã nhấn mạnh đặc điểm hiện đại của khuôn viên trường – thể hiện sứ mệnh công nghệ của viện – trái ngược với sự thô ráp, trái quy cách và mục nát của các tòa nhà xung quanh nó. Vào thời điểm đó, những điều trái ngược này nhấn mạnh vai trò to lớn của dự án trong việc xóa bỏ ‘thảm họa đô thị’ bằng cách giải phóng hoàn toàn mặt bằng và tái phát triển nhằm đưa người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu trở lại khu vực.

Điều đặc biệt là một trong những tòa nhà ở đây đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho thiết kế của Mies: SR Crown Hall (1956) – một dấu mốc trong lịch sử đô thị của Chicago với kiến ​​trúc bằng kính – sắt đã truyền rất nhiều cảm hứng cho thế hệ của Mies; đồng thời SR Crown Hall còn là một hội trường ‘không có cột đỡ mái’ đầu tiên mà ông đã sử dụng lưới 7,3 mét (24 foot) tiêu chuẩn để tạo ra; điều góp phần khiến nó trở thành thiết kế để đời của Mies tại khuôn viên IIT.

Mies van der Rohe và mô hình SR Crown Hall

Trong suốt Chiến tranh thế giới thứ hai, Viện Armour không có đủ khả năng để xây dựng theo kế hoạch của Mies, ngoại trừ Minerals and Metals Building (tòa Khoáng sản và Kim loại) được hiện thực hóa vào năm 1943. Năm sau đó, kiến ​​trúc sư bắt đầu tập trung vào thiết kế thư viện và tòa hành chính (nhưng không được xây dựng). Sau khi chiến tranh kết thúc, một số tòa nhà liên tục được xây dựng, đầu tiên là Boiler Plant năm 1946, sau đó là nhóm các tòa nhà gọi chung là ‘Mies Alley’, bao gồm: Navy Building (Tòa nhà Hải quân – dành riêng cho Alumni Memorial Hall, 1946-7), Metallurgy and Chemical Building (Tòa Luyện kim và Hóa chất – dành riêng cho Perlstein Hall, 1946-7) và Chemical Building (Tòa nhà Hóa học – dành riêng cho Wishnick Hall, 1949). Năm 1948, Skidmore, Owings & Merrill (SOM) xây dựng hai ký túc xá (Farr và Fowler) ở phía đông State Street và El. Đến năm 1950, khuôn viên trường đã mở rộng lên tới 26 ha (65 mẫu Anh) và tăng thêm mười công trình kiến ​​trúc, trong đó có bảy công trình do Mies thiết kế. Từ năm 1953 đến năm 1956, Mies cũng đảm nhận một số tòa nhà ở khuôn viên phía đông, gồm: Ba tòa chung cư chín tầng George Noble Carman Hall (1953), Alex D Bailey Hall (1955) và James D Cunningham Hall ( 1955) dành cho nhân viên, giảng viên và sinh viên đã lập gia đình; Nhà nguyện Tưởng niệm Robert F Carr (1953) và Commons (1956).

Năm 1958, Mies từ chức giám đốc Trường Kiến trúc và kết thúc vai trò kiến ​​trúc sư thiết kế khuôn viên trường IIT. Các tòa nhà mới do những kiến trúc sư khác đảm nhận, tuy nhiên họ vẫn cố gắng sử dụng ngôn ngữ của Mies. Walter Netsch (1920-2008) của SOM đã thiết kế hai tòa nhà tương tự kiến trúc của Crown Hall: Grover M Hermann Hall (1961) dùng làm Tòa nhà Hội sinh viên; Thư viện John Crerar và James S Kemper (1962) – sau đó được đổi tên thành Thư viện Paul V Galvin. Myron Goldsmith – bạn học của Mies, từng hợp tác với ông trong nhiều dự án lớn và đồng thời cũng là đối tác của SOM – đã thiết kế bốn tòa nhà cho IIT: Phòng thể chất Arthur Keating Hall (1966); Tòa Khoa học Đời sống (1966); Tòa Kỹ thuật/Xây dựng (1968) và Tòa nhà Harold Leonard Stuart cho Trường Quản trị Kinh doanh (1971). Công ty Schmidt, Garden & Erikson ở Chicago cũng đã thiết kế một số tòa nhà theo tinh thần của Mies: Tòa Nghiên cứu Hóa học của Quỹ Nghiên cứu Armour (1960), Nhà máy điện thuộc Viện Công nghệ Khí (1964), Tòa Trung tâm IGT (1965) và Viện Nghiên cứu IIT (1965). Sau đó nữa là Lohan Associates (do cháu trai của Mies là Dirk Lohan đứng đầu) đã chuẩn bị một kế hoạch tổng thể mới cho khuôn viên chính; hay thiết kế Trung tâm Khuôn viên McCormick Tribune do Rem Koolhaas đến từ văn phòng Kiến trúc Đô thị (OMA) ở Rotterdam đã đoạt giải trong một cuộc thi (1998-2003); và Helmut Jahn của Murphy/Jahn Architects, Chicago đã xây dựng những ngôi nhà riêng mới ở State Street Village (2003).

Sự phát triển của khuôn viên trong mười năm đầu tiên đã chứng minh hiệu quả của cấu trúc khuôn viên lưới ‘để tạo ra sự khả năng đa dạng đồng thời duy trì sự thống nhất’, như Hilberseimer nói – để tạo động lực tăng trưởng cho các chương trình mới và cơ hội tài trợ mới xuất hiện. Nó cung cấp một cấu trúc phân tách các tòa nhà khả thi trong khi điều phối các mối liên kết và các không gian mở giữa chúng. Vì, theo thuật ngữ của Hilberseimer – ‘mô-đun cơ bản cũng là mô-đun không gian’, nó tạo ra ‘nhịp điệu quang học, sự thống nhất và tự do trong giới hạn của nó’. Mỗi tòa nhà – ngoại trừ Crown Hall – có thể đạt được hình thức, kích thước và định hướng phù hợp với nhu cầu của nó đồng thời đóng góp vào một tổng thể lớn hơn.

Việc mở rộng và phát triển thêm khuôn viên trường đã không đáp ứng được kỳ vọng của Mies trong việc kiểm soát sự thay đổi theo thời gian với mức độ yêu cầu tối thiểu của lưới mô-đun vô hình. Trong khi các tòa nhà của chính của ông tạo ra sự gắn kết thông qua việc sắp xếp chính xác vị trí của chúng trên ô đất, nhất quán khối lượng cũng như biểu hiện kiến ​​trúc của chúng, thì khuôn viên lớn hơn trở nên chênh vênh, thiếu tập trung, thiếu ranh giới và cả bản sắc kiến ​​trúc. Sự cân bằng tinh tế trong kế hoạch ban đầu giữa một nhóm trung tâm được sắp xếp theo bố cục đối xứng và sự phân bố không đều của các tòa nhà đã không bao giờ được thực hiện vì tòa Hành chính và thư viện vẫn chưa được xây dựng. Việc chuyển vật liệu từ gạch sang kính và thép càng làm xói mòn sự thống nhất tổng thể, cũng như di chuyển tầng chính của các tòa nhà lệch tầng lên trên (như trường hợp của Crown Hall) hoặc xuống dưới (như tòa Hermann Hall và thư viện Galvin). Phần lối đi dành cho người đi bộ vẫn giữ gần như nguyên vẹn ý tưởng ban đầu của Mies, tuy vẫn chưa đáp ứng được nhiệm vụ của cấu trúc và sự gắn kết quần thể. Cuối cùng, việc loại bỏ bãi đỗ xe và mở rộng khuôn viên phía Đông đã biến State Street và xe lửa trên cao trở thành yếu tố trung tâm của khuôn viên, điều này chỉ đơn thuần là nền tảng của các vấn đề về đồng hóa cơ sở hạ tầng và không gian dành cho người đi bộ ở đô thị. Công việc tinh chỉnh thành phố mở và hữu cơ để giải quyết những vấn đề như vậy sẽ tiếp tục là mối bận tâm của Mies và Hilberseimer trong những dự án đô thị tiếp theo của họ.

I BÀI VIẾT DO BBARCHITECTS DỊCH VÀ BIÊN TẬP TỪ SÁCH: MIES / TÁC GIẢ: Detlef Mertins

Share post:

Comments ( 10.250 )